Thương mại và đầu tư Việt Nam – Đan Mạch tăng trưởng mạnh

Trong 8 tháng đầu năm 2022, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam – Đan Mạch có mức tăng trưởng đáng khích lệ. Xuất khẩu Việt Nam sang Đan Mạch tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2021. Đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam vươn lên thứ 5 trong các quốc gia có đầu tư mới vào Việt Nam trong năm 2022, chỉ sau Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, và Trung Quốc.

Đầu tư tăng cao kỷ lục

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Ai-xơ-len, Na uy, Lát-vi-a, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đạt kết quả rất tích cực với 12,8 tỉ USD vốn đăng kí, cao kỉ lục trong vòng 10 năm qua. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Đan Mạch đang nổi lên trong năm nay với nhiều dự án có quy mô lớn, như Lego và Pandora.

Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lương Thanh Nghị lý giải, nguyên nhân của sự tăng trưởng này là do biến động của tình hình thế giới, bất định gia tăng do Covid-19, cạnh tranh nước lớn, xung đột Nga-Ukraine khiến các doanh nghiệp Đan Mạch cũng phải hướng ra bên ngoài nhằm đối phó với tình trạng đứt gẫy các chuỗi cung ứng, sản xuất, vận tải, phân tán, giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm cơ hội mới.

Bên cạnh đó, chiến lược phát triển của Việt Nam và Đan Mạch có nhiều điểm tương đồng và phù hợp: lấy phát triển bền vững làm mục tiêu xuyên suốt, xác định tiến hành chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là biện pháp có tính dài hạn. Quan hệ Việt Nam-Đan Mạch đang phát triển rất tích cực, hai bên có nhiều lợi ích song trùng, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng, nông nghiệp, thực phẩm, chuyển đổi số…

Môi trường đầu tư của Việt Nam cũng hấp dẫn do ổn định chính trị cao; tốc độ tăng trưởng cao, ổn định; lực lượng lao động trẻ với chi phí cạnh tranh, tư duy, tay nghề và sự sáng tạo được doanh nghiệp Đan Mạch đánh giá cao; chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài hấp dẫn. Đặc biệt, 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi xuất khẩu sang các thị trường này.

Đại sứ Lương Thanh Nghị cũng cho biết, các lĩnh vực hai bên có thế mạnh hợp tác đầu tư là phát triển năng lượng tái tạo; sản xuất gắn với yếu tố xanh, bền vững; Các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, chế biến thực phẩm, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, sử dụng các công nghệ, nguyên vật liệu thân thiện môi trường.

Thương mại hưởng lợi từ EVFTA

Cùng với đầu tư, hoạt động thương mại giữa Việt Nam với Đan Mạch cũng có sự tăng trưởng rất mạnh thời gian qua trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19.

Số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Đan Mạch tăng 26,8%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch tăng 50,5%

Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều tăng trưởng khá ấn tượng như phương tiện vận tải, phụ tùng tăng tăng 483,8% (gần gấp 5 lần), giày dép tăng 182,8%, túi xách, ví, vali, ô, mũ, dù tăng 88%, dệt may tăng 75,9%, thủy sản tăng 70,8%…

Kết quả này có được là do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã và đang giúp mở rộng hơn nữa các cơ hội kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Đan Mạch thông qua cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giải quyết các rào cản thương mại mà các doanh nghiệp có thể gặp phải.

Các quy tắc và thực tiễn minh bạch cung cấp sự ổn định và cải thiện khả năng dự báo cho các doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp yên tâm triển khai các kế hoạch dài hạn.

EVFTA dỡ bỏ gần như tất cả thuế quan giữa EU và Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Đan Mạch hào hứng với thị trường Việt Nam hơn.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Ai-xơ-len, Na uy, Lát-vi-a, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Đan Mạch cần lưu ý tuân thủ các qui định chung về nhập khẩu vào thị trường EU mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Để hàng hóa được chấp nhận tại thị trường Đan Mạch, các doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng cả các điều kiện bổ sung của người tiêu dùng Đan Mạch.

Người tiêu dùng Đan Mạch vốn có thu nhập thuộc hàng cao nhất thế giới nên các sản phẩm đặc sắc, mới lạ, có lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, các sản phẩm gắn với các câu chuyện vùng miền, có chỉ dẫn địa lý sẽ dễ dàng được đón nhận. Nói chung, trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng Đan Mạch quan tâm đến nhãn mác của sản phẩm và các chứng chỉ, câu chuyện được in trên đó còn hơn cả bản thân sản phẩm.

Đối với thực phẩm, người Đan Mạch ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động đến môi trường. Đối với các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, họ có xu hướng chọn các sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế… Văn hóa tiêu thụ và vứt bỏ với các sản phẩm có vòng đời ngắn dần bị tẩy chay. Nền kinh tế tạo rác sẽ được thay thế bằng nền kinh tế tuần hoàn. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần đón đầu các xu hướng này để điều chỉnh sản xuất, gia tăng cơ hội xuất khẩu không chỉ sang Đan Mạch mà còn sang các nước khác.